(31/07/2010) CHO NGHĨA LÀ NHẬN

Với nhiều người ở tỉnh Sóc Trăng và đồng bằng sông Cửu Long, cái tên Trần Khắc Tâm (Tổng giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng) được biết đến nhiều hơn qua những hoạt động xã hội từ thiện.
Từ cơ sở gia đình lên công ty, từ lĩnh vực sơn công nghiệp, xây dựng, mở rộng sang thiết kế và một số lĩnh vực khác, năm 2009, Công ty Trần Liên Hưng trúng thầu thi công nhiều công trình lớn. Riêng lĩnh vực kinh doanh sơn, Công ty Trần Liên Hưng đã trở thành nhà phân phối chính thức cho nhiều công ty sản xuất sơn có uy tín. Hiện Công ty Trần Liên Hưng có trụ sở tại thị xã Sóc Trăng và chi nhánh văn phòng tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh.

Ảnh: Cây cầu dây công ty TNHH Trần Liên Hưng tặng vùng sâu huyện Ngã Năm - Sóc Trăng
Công việc kinh doanh luôn bận bịu, nhưng gần như ông chủ Khắc Tâm luôn có mặt kịp thời tại những vùng khó khăn, đến với những mãnh đời bất hạnh. Thế nhưng, khi được hỏi về những việc mình đã làm, Khắc Tâm chỉ nói: “Cho cũng có nghĩa là nhận vì mình tìm thấy được hạnh phúc, niềm vui từ việc làm ấy”.
Hôm chúng tôi đưa Lâm Bỉnh Khén ở khóm 4, P.1, TP. Sóc Trăng - người đã thoát chết trong vụ hỏa hoạn năm 2004 nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của Khắc Tâm đến thăm anh, phải mất khá lâu anh mới nhận ra, nhưng Khén thì không bao giờ quên vị ân nhân của mình.
Anh Khén chậm rãi kể: “Năm đó, tôi và Nguyễn Hoàng Hùng đang hoàn tất phần sơn chống thấm một hồ chứa nước thì bất ngờ xảy ra sự cố về điện làm bốc cháy phần sơn trong hồ. Cả hai đã bị bỏng nặng, phải chuyển Viện Quân y 121 cấp cứu. Số tiền của chủ nhà đưa cho chỉ đủ cấp cứu ban đầu, phải cần có thêm ít nhất 10 triệu đồng nữa để lên TP.HCM chữa trị. Hay được tin này, anh Tâm mang theo l0 triệu đồng tức tốc đến Viện Quân y 121 trao cho người nhà chúng tôi. Nhờ vậy mà hai đứa tôi đều được cứu sống”.
Ở vùng Mỹ Xuyên, không ít người giàu lên từ nghề nuôi tôm sú, nhưng cũng có không ít người “tán gia bại sản” sau những mùa tôm chết. Ông Đặng Hoàng Kha ở ấp Hòa Phuông, xã Hoà Tú 1, huyện Mỹ Xuyên là người không may rơi vào hoàn cảnh thứ hai này. Chẳng những không còn vốn để nuôi tôm, gia đình ông Kha còn không có được căn nhà kín đáo để che nắng che mưa.
Biết được hoàn cảnh ấy, Khắc Tâm đã liên hệ với chính quyền địa phương tìm đến hỗ trợ ông Kha cất lại căn nhà. Ông Kha xúc động nói: “Nếu không có anh Tâm, chắc giờ này tôi cũng chưa có được một mái ấm như thế này”. Còn ông Huỳnh Tín Nhiệm - nguyên Bí thư xã Hòa Tú 1, mỗi khi nói đến công tác xã hội là không quên nhắc anh Trần Khắc Tâm, người đã gắn bó với địa phương nhiều năm. Ông Nhiệm kể: “Ở xã Hòa Tú 1 còn nghèo khó này thì anh Tâm là người đến với bà con thường xuyên nhất. Không chỉ xây nhà tặng hộ nghèo, anh còn xây dựng cầu, tặng quà cho gia đình chính sách...Vậy mà khi chúng tôi đề nghị được ghi tên anh vào công trình thì anh luôn từ chối ”.
Chuyện làm công tác xã hội của Trần Khắc Tâm không chỉ gói gọn ở địa phương, mà bất kỳ nơi đâu khi xem đài, đọc báo biết được là anh tìm đến để hỗ trợ. Ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cái tên Trần Khắc Tâm và Công ty Trần Liên Hưng được nhiều người biết đến như là một doanh nghiệp có uy tín và tốt bụng.
Người dân ở ấp Mỹ Tân và Đông Mỹ nơi đây đã chỉ cho chúng tôi xem hai chiếc cầu bê tông như một minh chứng cho nghĩa cử cao đẹp của doanh nhân trẻ Trần Khắc Tâm. Bà Nguyễn Thị Đông khen: “Ông Tâm thấy có vẻ công tử vậy mà tốt bụng lắm. Ổng ở đâu tuốt trên Sóc Trăng, nhưng thấy bà con ở đây khó khăn, xây cho mấy cây cầu này. Không phải ở xã này mà còn mấy xã khác nữa”. Bà Đông nói đúng, trên địa bàn huyện Cái Nước đã có 10 chiếc cầu do Khắc Tâm xây tặng.
Nhiều người ví cách làm của doanh nhân này đúng với cái tên của anh. Đức tính thương người của Tổng giám đốc Trần Liên Hưng có ảnh hưởng rất lớn từ sự giáo dục của gia đình, nhất là từ ông nội - cụ Trần Liên Hưng. Nhắc tới cụ Trần Liên Hưng, tôi vẫn nhớ như in tấm lòng của cụ, đến lúc sắp quy tiên vẫn còn lo cho cộng đồng. Cụ trăn trối với con cháu rằng, vẫn cứ nhận tiền phúng điếu, nhưng dành tất cả để làm từ thiện và con cháu phải cố gắng làm ăn thành đạt để trả nợ đời này cho cụ.
Anh Tâm có thói quen là những giáp Tết, sau khi lo chuyện cơm áo gạo tiền cho cán bộ, công nhân viên lại đến các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn để hỗ trợ tiền, gạo hay quần áo.
Tết Canh Dần vừa qua, anh Khắc Tâm tiếp tục “du xuân”, mà điểm đến là những gia đình nghèo khó, là trẻ mồ côi, người già đơn chiếc... trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ họ...